Xem tivi truc tuyen | medical student |
Nghệ nhân gốm Bàu Trúc tạo dáng cho sản phẩm.
Thổi hồn cổ vào gốm Chăm hiện đại
Có một người mà cái tên của anh như đã gắn liền với làng gốm cổ xưa này, đó là nhà thiết kế, họa sĩ Sĩ Hoàng. Cái tên quá quen thuộc với nhiều người trong giới mỹ thuật. Thời còn là sinh viên của Trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Sĩ Hoàng đã từng ra thực tập tại làng gốm Bàu Trúc. Và chính tại nơi này, anh đã có một bà mẹ nuôi vốn là một nghệ nhân nổi tiếng: nghệ nhân Đàng Thị Vệ, người đã giúp đỡ anh một cách chân tình trong suốt thời gian thực tập. Ân tình đó cứ theo anh đi suốt những năm tháng sau này.
Trong một lần trở lại thăm người xưa chốn cũ, khi trở về, anh cứ mãi ám ảnh bởi một tương lai không mấy sáng sủa của nghề làm gốm gia dụng của làng Chăm Bàu Trúc. Anh đã thử thiết kế một số mẫu mã gốm mỹ nghệ rồi đưa cho người mẹ nuôi của mình tạo tác thử. Kết quả là gần 100 sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu Trúc kết hợp giữa cách làm gốm truyền thống của làng Chăm Bàu Trúc cùng với kiểu dáng của Sĩ Hoàng đã ra mắt công chúng trong một lần trưng bày của họa sĩ Sĩ Hoàng tại TP Hồ Chí Minh. Điều bất ngờ đã xảy ra: Tất cả sản phẩm gốm mỹ nghệ "làm thử" đó đều được người tham quan mua hết. Cũng từ đấy, một hướng đi mới tốt đẹp mở ra cho người dân làng gốm cổ Bàu Trúc là: làm gốm mỹ nghệ!
Và chính từ những gợi mở của Sĩ Hoàng, bằng bàn tay tài hoa của mình, người dân làng gốm cổ Bàu Trúc bắt đầu sáng tạo ra những mẫu mã mới như: lư, lọ, độc bình, tượng và thời gian gần đây là những mặt hàng phong thủy được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng loạt cửa hàng gốm mỹ nghệ Chăm Bàu Trúc đã được mở ra tại chính làng gốm cổ và du khách có thể nhìn ngắm thỏa thích các thao tác làm gốm độc đáo của các nghệ nhân.
Anh Đàng Xem, chủ một cửa hàng gốm mỹ nghệ Chăm ở Bàu Trúc cho biết, chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, cửa hàng của anh đã đón nhiều đoàn du khách đến thăm. Mới đây, anh đã có được một đơn đặt hàng 3.000 sản phẩm, trị giá 60 triệu đồng.
Bền vững cho làng gốm cổ
Rõ ràng là người dân làng gốm cổ Bàu Trúc đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội ngàn vàng để phát triển và làm sống lại một làng nghề mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm một cách có hiệu quả thì cần phải có sự "tiếp sức" của chính quyền địa phương. Năm 2009, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có đề án "Hỗ trợ phát triển làng nghề - du lịch Ninh Thuận" mà tổng kinh phí lên đến hơn 20 tỷ đồng. Đây là tiền đề và cũng là cú hích để thúc đẩy làng nghề gốm cổ Bàu Trúc vươn lên sánh vai cùng với các làng nghề gốm cổ khác trên cả nước. Bằng nguồn vốn trên, Bàu Trúc đã xây dựng được một nhà trưng bày "Gốm Chăm mỹ nghệ". Đó sẽ là địa điểm mà khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hình thành làng gốm và cách thức mà các nghệ nhân làng gốm Chăm tạo ra một tác phẩm gốm. Và để có thể đưa sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đến với thị trường, Bàu Trúc đã xây dựng được một HTX có tên "HTX Gốm Chăm Bàu Trúc" với 25 hộ xã viên mà hầu hết là những nghệ nhân có tên tuổi của làng nghề. HTX sẽ đóng vai trò giúp cho người dân làng nghề tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm đưa các sản phẩm gốm mỹ nghệ Chăm Bàu Trúc đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân làng nghề đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, hạ tầng cơ sở làng nghề như điện, đường,... đã được Nhà nước đầu tư, môi trường làng nghề ngày càng được cải thiện theo hướng ngày càng khang trang, sạch sẽ hơn.
Bà Đàng Thị Gia, một nghệ nhân của làng gốm cổ Bàu Trúc năm nay đã 74 tuổi và đã có gần 60 năm trong nghề làm gốm nói với chúng tôi: "Nghề gốm này là văn hóa của người Chăm chúng tôi! Vì thế, không thể nào chúng tôi bỏ được. Nay nhờ có Nhà nước giúp xây nhà trưng bày, làm đường và cho chúng tôi vay vốn để phát triển nghề, người Chăm chúng tôi rất biết ơn Nhà nước!".
Để giải bài toán chất lượng cho gốm Chăm Bàu Trúc, sắp tới đây, một lò nung bằng ga trị giá 200 triệu đồng sẽ được đầu tư, xây dựng cho HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, khi đó sản phẩm gốm Chăm sẽ được nâng cao hơn nữa cả về chất lượng và mỹ thuật.
Tuy nhiên, để người dân làng gốm cổ Bàu Trúc vừa có thể gìn giữ và phát triển vốn cổ, vừa có thể phát triển được kinh tế xây dựng làng nghề thì cần có một chiến lược quảng bá sản phẩm làng nghề một cách dài hơi, bài bản để sản phẩm có thể vươn xa, để Bàu Trúc mãi mãi là một địa chỉ văn hóa không thể thiếu của Ninh Thuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét